Văn hóa thiết lập quan hệ
Người Na Uy khá thực dụng, họ không thích những mối quan hệ trung gian. Nếu bạn thực sự muốn thiết lập quan hệ thì hãy chủ động tìm kiếm và liên hệ trực tiếp với họ.
Người Na Uy chỉ đồng ý hẹn gặp khi biết mục tiêu, đối tượng và chủ đề sẽ được trao đổi. Bạn hãy sẵn sàng chuẩn bị tâm lý bị từ chối nếu không nói rõ cho họ biết cuộc gặp đó nhằm mục đích gì, ai sẽ tham gia và các nội dung nào sẽ được trao đổi. Thời điểm đặt cuộc hẹn cũng rất quan trọng, người Na Uy thường xếp lịch cho tuần sau vào sáng Thứ Sáu, 9-11 giờ sáng Thứ Sáu là thời điểm lý tưởng để đặt cuộc hẹn. Nếu thực sự quan tâm, đối tác Na Uy sẽ hỏi rất kỹ về địa điểm hẹn gặp, đường đi, tài liệu cần thiết, khoảng thời gian gặp gỡ, yêu cầu về trang phục ...
Người Na Uy rất đúng giờ. Theo quan niệm của họ, đúng giờ có nghĩa là đến sớm khoảng 5 phút, nếu đến quá sớm họ sẽ chờ ở ngoài và ngược lại nếu không thể đến đúng hẹn, họ sẽ gọi điện, giải thích rõ lý do và nói chính xác lúc nào có thể tới nơi. Họ sẽ đánh giá thấp những đối tác đến muộn mà không có sự báo trước và không nói rõ lý do.
Chào hỏi làm quen rất đơn giản và không cần theo một nghi thức cố định nào. Một cái bắt tay, ánh mắt và nụ cười đã là đủ để bắt đầu câu chuyện làm ăn. Trong giao tiếp, họ thường đứng cách người khác một khoảng bằng một cánh tay. Trừ những đối tác đã quá thân quen, việc tiếp cận gần hơn khoảng cách này có thể gây ra sự bất tiện và căng thẳng. Họ cũng không thích có nhiều động chạm cơ thể như ôm hôn như các nước Tây Âu khác, điều này nhiều khi bị diễn giải thành “đối tác Na Uy lạnh lùng, kiêu căng hoặc thiếu thiện chí hợp tác”.
Giống như các nền văn hóa Bắc Âu và Bắc Mỹ khác, người Na Uy thường sử dụng hành vi nhìn sâu vào mắt từng người ngay trong lần gặp đầu tiên. Hành vi này thường làm cho các đối tác Châu Á (quen với ánh mắt thân thiện và kín đáo) bối rối và diễn giải rằng đối tác Na Uy có ý thô lỗ thậm chí thù địch.
Người Na Uy dành thời gian để giới thiệu bản thân và đọc đúng tên họ của đối tác nhưng ngay sau đó chỉ dùng các từ "Herr" (Mr/ông) hoặc "Fru" (Mrs/bà) kèm theo họ của người đó trong xưng hô. Lối tư duy của người Na Uy bị ảnh hưởng nhiều bởi "Luật Jante”, là luật giả tưởng nhưng được mọi người rất tín mộ. Luật Jante dạy cho mọi người phải giữ đức khiêm tốn và khiêm nhường. Vì vậy, người Na Uy không thích chỉ trích người khác hay ba hoa về tài sản hoặc thành công của mình. Trong bước đầu gây ấn tượng, bạn cần tránh hành vi tự kiêu hoặc phô trương bản thân. Việc khoe khoang mối quan hệ với những nhân vật quan trọng sẽ có nhiều khả năng gây phản cảm cho đối tác Na Uy.
Văn hóa hợp tác
Người Na Uy sẵn sàng trao đổi công việc kinh doanh ngay trong cuộc gặp đầu tiên, đây là một điểm khác biệt so với các nền văn hóa Châu Á, Mỹ Latinh và Trung Đông. Họ không thích vòng vo, sử dụng ngôn ngữ gián tiếp theo kiểu ném đá dò đường mà đi thẳng vào vấn đề, những chuyện tán gẫu ngoài lề không được coi là phần quan trọng của cuộc gặp. Họ cũng sẵn sàng chia sẻ ngay ý tưởng và cảm xúc bản thân. Bạn đừng bất ngờ và buồn khi nghe họ nói rằng ý tưởng hợp tác bạn đề xuất không làm cho họ thích thú.
Người Na Uy có phần cứng nhắc khi bắt đầu cuộc họp bằng việc khăng khăng thống nhất cách thức và các “luật lệ” sẽ áp dụng trong quá trình trao đổi. Họ cũng bám theo mục tiêu hai bên đã trao đổi từ lúc hẹn gặp và sẽ nhắc nhở đối tác quay trở lại chủ đề chính khi thấy rằng câu chuyện hai bên trao đổi đang đi theo một hướng khác.
Người Na Uy có xu hướng nhỏ nhẹ và ít nói so với người Nam Âu, họ chăm chú lắng nghe và mong được lắng nghe. Ngắt lời người khác bị coi là hành vi thiếu lịch sự, đối tác Na Uy sẽ phát cáu nếu cứ tiếp tục bị ngắt lời trong quá trình thảo luận. Việc bỏ ra ngoài khi chưa hết thời gian hoặc mục tiêu chưa đạt được sẽ bị coi là thiếu lịch sự. Những yếu tố là gián đoạn cuộc trao đổi như tiếng chuông điện thoại, công việc riêng của phía đối tác (như nhân viên chen ngang vào xin trình ký …) thường làm cho họ cảm thấy rất khó chịu.
Người Na Uy từng bước tìm hiểu về đối tác trong quá trình diễn tiến của câu chuyện. Họ đánh giá đối tác dựa trên năng lực cá nhân và khả năng ảnh hưởng tới việc ra quyết định thay vì chức danh của người đối diện. Chính vì vậy, một điểm thú vị là không cần thiết phải xưng hô chức danh trong quan hệ hợp tác với người Na Uy.
Quy trình ra quyết định có sự phân quyền khá mạnh trong các doanh nghiệp Na Uy. Tuy vậy, với một quyết định liên quan đến nhiều nguồn lực và với thời gian dài, ví dụ thay thế một nhà cung cấp, tài trợ cho một dự án lớn … sẽ được trình lên xin ý kiến cấp trên. Trong trường hợp này, cấp dưới có trách nhiệm giải trình và thuyết phục cấp trên chấp thuận kế hoạch của mình và cam kết trách nhiệm đối với kế hoạch đó. Quản lý cấp trên tôn trọng đề xuất của cấp dưới phụ trách và thường chấp thuận đề xuất của họ. Vì vậy, khi thiết lập mối quan hệ hợp tác với các công ty Na Uy, việc tìm hiểu ai được quyết định cái gì là rất quan trọng và không nhất thiết phải gặp người có vị trí cao nhất trong doanh nghiệp đối tác.
Văn hóa doanh nghiệp Na Uy dựa trên nguyên tắc cơ hội bình đẳng. Vị thế quyền lực được khẳng định thông qua hiệu suất công việc thực tế. Mặc dù thứ bậc vẫn tồn tại trong các doanh nghiệp Na Uy nhưng nó không được phô ra một cách công khai. Những quản lý cấp cao ít khi tự phô trương chức vụ mà chỉ có thể nhận ra họ thông qua những dấu hiệu như có thư ký riêng, có văn phòng nhìn ra khoảng không gian mở khung cảnh đẹp, đồ nội thất văn phòng được làm bằng gỗ đắt tiền ... Trong suy nghĩ của người Na Uy, chức vụ cao không quá quan trọng mà chỉ là sự ghi nhận và nhắc nhở về sự nỗ lực không ngừng để còn xứng đáng với vị trí đó.
Đối với người Na Uy, thư giãn và nghỉ ngơi cũng quan trọng tương đương với công việc. Họ không thích dính líu vào bất kỳ công việc gì từ chiều Thứ Sáu đến hết ngày Chủ Nhật. Cuối tuần là thời gian vứt bỏ mọi nghĩa vụ kinh doanh và bạn đừng ngạc nhiên khi gọi điện không có người nghe, email “khẩn” nhưng cũng không được trả lời trước 9 giờ sáng Thứ Hai tuần sau. Chính vì điều này, đối tác Na Uy bị nhiều người cho là “quân bình chủ nghĩa”.
Văn hóa thương lượng
Trong thương lượng, người Na Uy có biểu hiện hành vi tương đối thụ động. Họ ít sử dụng các động tác bàn tay, cánh tay và nét mặt trong suốt quá trình thương lượng. Các đối tác có kinh nghiệm kinh doanh với nền văn hóa Nam Âu, Bắc Mỹ hoặc Mỹ Latinh dễ diễn giải các dấu hiệu phi ngôn ngữ này là biểu hiện của sự không quan tâm đến vấn đề đang thảo luận.
Na Uy được biết đến với những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, họ cũng là những khách hàng rất khó tính. Họ chỉ sẵn sàng trả tiền cho những gì có chất lượng. Cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp cho thị trường Na uy thường rất khắc nghiệt. Người Na Uy là những người thận trọng trong khi mua và họ dành khá nhiều thời gian để lựa chọn nhà cung cấp. Các doanh nghiệp Na Uy cũng sẵn sàng chuyển sang nhà cung cấp khác để có được những mặt hàng mới với giá tốt hơn.
Người Na Uy có tư duy phân tích tốt, họ tập trung lắng nghe khi đối tác trình bày các sự kiện thực tế, lợi ích và hiệu quả của đề xuất. Họ đánh giá rất cao những đối tác trung thực chỉ ra những điểm yếu/bất lợi có thể xảy ra trong hợp tác. Tư duy hệ thống giúp họ suy diễn khá chính xác những hệ quả của chương trình hợp tác. Họ cũng đủ thông minh để nhận ra những dấu hiệu thổi phồng hoặc nói quá sự thật của đối tác trong các bài trình bày. Sự hài hước trong quá trình thương lượng không được khuyến khích nhiều như trong các nền văn hóa khác.
Người Na Uy không dành nhiều thời gian cho hoạt động thương lượng. Các cuộc thương lượng chỉ được kéo dài khi có những điểm quan trọng còn chưa được làm rõ hay mọi thứ bị đảo lộn. Nên tránh thủ thuật "nói thách” – chào với giá cao sau đó giảm dần. Thay vào đó nên chào một mức giá chắc chắn và thực tế ngay từ đầu thì cơ hội thành công sẽ cao hơn rất nhiều. Do việc xác định mục tiêu cuối cùng của thương lượng là các quyết định, người Na Uy sẽ rất nỗ lực để tìm ra người thực sự có quyền quyết định trong hợp tác. Các bên tham gia thương lượng được kỳ vọng là sẽ dồn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cụ thể bằng việc ra được quyết định.
Thỏa thuận bằng văn bản là căn cứ tối hậu khi có sự bất đồng nảy sinh trong quá trình hợp tác. Người Na Uy có thể phản ứng một cách tiêu cực nếu đối tác quốc tế ỷ vào mối quan hệ giữa hai bên để thương lượng lại các điều khoản sau khi hợp đồng đã được ký kết, đây là cách thức một số nước Châu Á hay vận dụng. Đồng thời, người Na Uy có thể phát cáu đối với những nhà thương lượng kiểu Mỹ, cứ kè kè một luật sư ở bên cạnh bàn đàm phán. Đối với các thương gia Na Uy, tốt hơn hết là trao đổi, làm rõ các quyền, trách nhiệm của từng bên và chuyển cho cố vấn pháp lý xem xét lại mọi điều khoản trước khi đặt bút ký.
Lịch trình thực hiện và hạn chót hoàn thành từng công việc là điều người Na Uy rất quan tâm. Độ tín nhiệm của đối tác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ sau 2 lần không hoàn thành công việc theo đúng tiến độ cam kết.
Không nên, trực tiếp hoặc gián tiếp, có hành vi nào mà người Na Uy cho là hối lộ. Người Na Uy và các nước Bắc Âu khác luôn đứng đầu trong bảng danh mục các nền văn hóa kinh doanh liêm chính và không tham nhũng. Quà tặng từ phía đối tác Na Uy thường là những đồ vật nhỏ “làm thủ công - hand made”, được lựa chọn và đóng gói rất cẩn thận. Giá trị tài chính có thể rất thấp nhưng sẽ là một biểu tượng đặc trưng văn hóa Na Uy.
Văn hóa xã giao
Người Na Uy thường tổ chức các bữa ăn trưa hoặc ăn tối để chiêu đãi khách, gặp gỡ và ăn uống ngay sau giờ làm việc là việc người Na Uy không ưu tiên. Các cuộc gặp kết hợp ăn trưa có khi được tổ chức tại văn phòng với sự chuẩn bị khá đơn giản, có thể chỉ bao gồm bánh sanwich chay. Mời đối tác ăn tối tại nhà là việc bình thường, bạn có thể mang theo bạn trai, bạn gái đi cùng nhưng cần báo trước cho chủ nhà. Họ sẽ sắp xếp ghế ngồi với số lượng chính xác với số người đăng ký đến dự. Mang theo hoa, sô cô la hoặc rượu được xem là lịch sự.
Ngay cả đối với các bữa tối tại nhà, vấn đề giờ giấc vẫn là một yêu cầu ngặt nghèo đến cứng nhắc. Khi tới nơi, bạn hãy đứng đợi ngoài cửa cho chủ nhà ra đón. Bạn đừng mong sẽ được dạo quanh ngôi nhà của họ, khoảng không gian dành cho bạn chỉ là khu vực được chuẩn bị để đón khách. Không nên bắt đầu ăn trước khi được chủ nhà mời mọi người. Trong bữa ăn tối, chủ nhà là người chủ động đề cập đến vấn đề kinh doanh.
Khách từ các nước Đông Á nên nhớ rằng không nên ra về ngay sau khi ăn, điều này bị coi là bất lịch sự. Sau khi ăn nên ngồi lại thảo luận về các chủ đề như sở thích, chính trị, du lịch và thể thao, đặc biệt là các môn thể thao mùa đông như trượt tuyết. Người Na Uy cũng rất tự hào về thiên nhiên và lịch sử đất nước của họ.
(Trần Anh) St.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét